Hoàn cảnh chiến dịch Chiến_dịch_Ke

Ngày 7 tháng 8 năm 1942, lực lượng Đồng Minh (chủ yếu là Hoa Kỳ) đã đổ bộ lên Guadalcanal, Tulaginhóm đảo Nggela (thường được gọi là nhóm đảo Florida) thuộc quần đảo Solomon. Cuộc đổ bộ này nhằm mục đích đập tan kế hoạch của người Nhật biến quần đảo này thành căn cứ đe dọa tuyến đường vận tải giữa ÚcHoa Kỳ, đồng thời cũng chiếm luôn quần đảo để làm nơi xuất phát cho các chiến dịch cô lập căn cứ chính của hải quân Nhật là Rabaul và yểm trợ cho quân Đồng Minh trong Chiến dịch New Guinea. Cuộc đổ bộ này đã chính thức mở đầu cho Chiến dịch Guadalcanal kéo dài 6 tháng sau đó.[3]

Lợi dụng sự kinh ngạc của quân Nhật, quân Đồng Minh đã hoàn thành cuộc đổ bộ và chiếm được Tulagi cùng một số hòn đảo nhỏ phụ cận cũng như một sân bay đang xây dựng dở tại Lunga Point thuộc Guadalcanal. Công việc hoàn tất sân bay được tiến hành ngay lập tức, chủ yếu bằng các thiết bị chiếm được của quân Nhật. Vào ngày 12 tháng 8, sân bay được đặt tên là Henderson theo tên của một phi công Thủy quân Lục chiến, Lofton R. Henderson, hy sinh trong Trận Midway. Đến ngày 18 tháng 8, sân bay sẵn sàng hoạt động và lực lượng không quân xuất kích từ sân bay mang tên "Không lực Cactus" (CAF) theo tên mã của Đồng minh cho chiến dịch Guadalcanal. Để bảo vệ sân bay, thủy quân lục chiến Mỹ đã thiết lập một vành đai phòng thủ quanh Lunga Point.[4]

Phản ứng lại việc Đồng Minh đổ bộ lên Guadalcanal, Bộ Tổng tư lệnh Đế quốc Nhật Bản giao cho Quân đoàn 17 đặt căn cứ tại Rabaul dưới quyền chỉ huy của Trung tướng Harukichi Hyakutake, nhiệm vụ tái chiếm Guadalcanal. Trong suốt Chiến dịch Guadalcanal, quân Nhật đã mở ba cuộc tấn công lớn nhằm tái chiếm sân bay Henderson nhưng đều bị đánh bại với thương vong nặng nề.[5] Sau thất bại lần thứ ba vào tháng 10 năm 1942, Hải quân Nhật quyết định tăng viện đến đảo phần còn lại của Sư đoàn Bộ binh số 38 và vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên từ ngày 12 đến 15 tháng 11, Trận Hải chiến Guadalcanal đã chính thức chấm dứt hi vọng cuối cùng tái chiếm sân bay Henderson.[6]

Vào giữa tháng 11, Quân Đồng Minh tấn công quân Nhật tại Buna-Gona, New Guinea. Hải quân Nhật Bản, mà chủ lực là Hạm đội Liên hợp với căn cứ đóng tại Truk trước động thái của Đồng Minh đã cảm thấy chiến trường New Guinea có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến tình hình toàn cục hơn là chiến trường nam quần đảo Solomon. Vì vậy, các sĩ quan tham mưu của Hạm đội Liên hợp đã lên kế hoạch buông bỏ Guadalcanal và chuyển hướng tập trung lực lượng và vật lực sang New Guinea. Tuy nhiên thời điểm này phía Hải quân đã không thông báo cho Lục quân về ý định của họ.[7]

Từ tháng 12, tình hình quân Nhật tại Guadalcanal ngày càng trở nên tồi tệ. Các cuộc tấn công bằng không quân và hải quân Đồng Minh vào các tuyến vận tải đã làm cho việc tiếp tế cho quân Nhật trên đảo ngày càng khó khăn. Kết quả từ ngày 7 tháng 12, trung bình mỗi ngày có 50 lính Nhật trên đảo chết vì suy dinh dưỡng, bệnh tật hoặc bị tấn công. Kể từ khi Chiến dịch Guadalcanal bắt đầu, 30.000 lính Nhật đã được đưa đến đảo nhưng đến tháng 12 chỉ còn 20.000 người sống sót, và chỉ 12.000 người trong số đó còn sức chiến đấu, số còn lại thì bị thương, suy dinh dưỡng hoặc bị bệnh.[8][a]

Trong khi đó, tình cảnh Hải quân Nhật cũng không khá hơn khi các tổn thất về thủy thủ và chiến hạm cứ tăng dần sau mỗi nỗ lực tăng viện và tiếp tế đến Guadalcanal. Đơn cử vào ngày 30 tháng 11, một khu trục hạm bị đánh chìm trong Trận Tassafaronga; từ ngày 3 đến 12 tháng 12, một khu trục hạm và một tàu ngầm bị chìm và hai khu trục hạm khác bị thương bởi các ngư lôi đỉnh và máy bay Đồng Minh xuất phát từ sân bay Henderson. Những cuộc chuyển vận với tổn thất này lại không mang đến kết quả khả quan: ngày 3 tháng 12, lực lượng Nhật trên đảo chỉ vớt được vỏn vẹn 500 thùng tiếp liệu trong số 1.500 được thả xuống biển; đêm ngày 11 tháng 12, 1.200 thùng tiếp liệu được các tàu của Chuẩn đô đốc Tanaka thả xuống, chỉ có 220 thùng đến tay lính Nhật trên đảo.[9] Các chỉ huy trưởng hạm đội Liên hợp từ đó đã phải thảo luận với phía lục quân rằng nếu những tổn thất cứ gia tăng trong quá trình tiếp liệu đến Guadalcanal, các kế hoạch chiến lược tương lai của Đế quốc Nhật Bản sẽ bị đe dọa.[10]

Quyết định rút lui

Hattori Takushiro, sĩ quan tham mưu tại Bộ Tổng tư lệnh Đế quốc Nhật Bản

Trong suốt tháng 11, các lãnh đạo cao cấp của Bộ Tổng tư lệnh Đế quốc Nhật Bản tại Tokyo vẫn có ý định tiếp tục tái chiếm Guadalcanal. Tuy nhiên vào cùng thời điểm này, các sĩ quan cấp thấp hơn đã kín đáo thảo luận về việc từ bỏ hòn đảo. Hattori TakushiroTsuji Masanobu, hai sĩ quan đã từng đến thị sát Guadalcanal nói với các sĩ quan đồng cấp trong bộ tham mưu rằng bất cứ nỗ lực mới nào nhằm tái chiếm hòn đảo đều là vô ích. Một sĩ quan Nhật Sejima Ryūzō báo cáo khẩu phần hằng ngày của lính Nhật tại Guadalcanal không đủ cho những cuộc tấn công trong tương lai. Ngày 11 tháng 12, các sĩ quan tham mưu Hải quân Yamamoto Yuji và Lục quân Hayashi Takahiko trở về Tokyo từ Rabaul đã khẳng định lại các báo cáo của Hattori, Tsuji và Sejima. Ngoài ra, Yamamoto và Hayashi còn báo cáo thêm hầu hết các sĩ quan Hải quân và Lục quân tại Rabaul đều ủng hộ việc từ bỏ Guadalcanal. Thêm vào đó, Bộ Chiến tranh cũng đưa ra các số liệu cho Bộ Tổng tư lệnh thấy khả năng vận chuyển đường biển là hạn chế và không thề cùng lúc đủ để vừa tái chiếm Guadalcanal, vừa vận chuyển tài nguyên chiến lược duy trì sức mạnh kinh tế và quân sự của Nhật Bản.[11]

Ngày 19 tháng 12, một phái đoàn của Bộ Tổng tư lệnh, do Đại tá Sanada Joichiro dẫn đầu, tham mưu trưởng cho các chiến dịch của Bộ Tổng tư lệnh đã đến Rabaul để thảo luận về tương lai của New Guinea và Guadalcanal. Imamura Hitoshi, chỉ huy trưởng Phương diện quân 8, chịu trách nhiệm khu vực New Guinea và Solomon, không trực tiếp đề nghị rút lui khỏi Guadalcanal nhưng đã phân tích kỹ càng những khó khăn cho việc tái chiếm hòn đảo. Imamura còn nói thêm bất cứ quyết định rút lui nào cũng phải đi kèm kế hoạch di tản càng nhiều càng tốt những binh lính còn đang kẹt lại tại Guadalcanal.[12][b]

Sanada trở về Tokyo ngày 25 tháng 12 và kiến nghị Bộ Tổng tư lệnh phải ngay lập tức từ bỏ Guadalcanal và chuyển trọng tâm chiến trường về New Guinea. Các lãnh đạo của Bộ Tổng tư lệnh Tối cao đồng ý với kiến nghị này một ngày sau đó và lệnh cho các sĩ quan tham mưu lên kế hoạch triệt thoái khỏi Guadalcanal và thiết lập tuyến phòng thủ mới ở trung tâm quần đảo Solomon.[13]

Ngày 28 tháng 12, Tướng Sugiyama Hajime và Đô đốc Nagano Osami đã tự mình giải thích cho Nhật hoàng Hirohito về quyết định triệt thoái khỏi Guadalcanal. Trong cuộc họp với Sugiyama và Nagano, Nhật Hoàng hỏi "Tại sao Hoa Kỳ có khả năng lập xong sân bay trong ba ngày mà ta làm hai tháng chưa xong?" thì nhận được câu trả lời của Đô đốc Nagano rằng người Mỹ xây sân bay bằng cơ giới còn quân Nhật chỉ dựa vào sức người.[14] Ba ngày sau đó, Nhật hoàng đã chính thức phê chuẩn quyết định.[15]

Kế hoạch và lực lượng

Ngày 3 tháng 1, Bộ Tổng tư lệnh thông báo cho Phương diện quân 8 và Hạm đội Liên hợp về quyết định triệt thoái khỏi Guadalcanal. Đến ngày 9 tháng 1, các sĩ quan tham mưu của Phương diện quân 8 và Hạm đội Liên hợp đã soạn thảo thành công kế hoạch triệt thoái, mang tên Chiến dịch Ke, lấy tên một âm tiết trong bảng chữ cái tiếng Nhật.[16][c]

Theo kế hoạch này, một tiểu đoàn bộ binh sẽ được vận chuyển bằng khu trục hạm đến Guadalcanal vào ngày 14 tháng 1 để làm vai trò bọc hậu cho cuộc di tản. Quân đoàn 17 sẽ bắt đầu rút lui về phía tây hòn đảo trong khoảng thời gian ngày 25 hoặc 26 tháng 1. Hoạt động của không quân Nhật sẽ được gia tăng tối đa quanh khu vực phía nam quần đảo Solomon từ ngày 28 tháng 1. Trong khi Quân đoàn 17 được đưa đi bằng các khu trục hạm từ đầu tháng 2 đến 10 tháng 2, cùng thời điểm đó, không quân và hải quân Nhật sẽ tiến hành các cuộc tấn công nghi binh nhỏ quanh New Guinea và quần đảo Marshall cũng như tạo tín hiệu vô tuyến giả để đánh lạc hướng quân Đồng Minh về ý định thực sự của quân Nhật.[17]

Mikawa Gunichi, chỉ huy trưởng Hạm đội 8 Hải quân Đế quốc Nhật Bản

Lực lượng hải quân được Yamamoto chuẩn bị cho chiến dịch bao gồm các hàng không mẫu hạm JunyōZuiho, thiết giáp hạm KongōHaruna, bốn tuần dương hạm hạng nặng và các khu trục hạm dưới quyền Đô đốc Kondō Nobutake. Lực lượng này sẽ bảo vệ cho đoàn chuyển vận quanh Ontong Java, phía bắc quần đảo Solomon. Các chiến hạm trực tiếp phục vụ cho việc di tản thuộc về Hạm đội 8 của Đô đốc Mikawa với tuần dương hạm hạng nặng ChōkaiKumano, tuần dương hạm hạng nhẹ Sendai và 21 khu trục hạm. Các khu trục hạm sẽ đóng vai trò làm tàu chở quân. Theo tính toán của Yamamoto, khoảng ½ số khu trục hạm trên sẽ bị đánh chìm trong chiến dịch triệt thoái.[18][d]

Lực lượng không quân yểm trợ Nhật cho chiến dịch đến từ không Hạm đội 11 và Sư đoàn không quân số 6 của Lục quân, căn cứ tại Rabaul với tổng cộng 312 máy bay. Ngoài ra còn có 64 máy bay thuộc hàng không mẫu hạm Zuikaku được tạm thời điều đến Rabaul và 60 thủy phi cơ căn cứ tại Rabaul, Bougainville và quần đảo Shortland, nâng tổng số máy bay Nhật Bản tham gia chiến dịch lên đến con số 436. Các chiến hạm và đơn vị không lực hải quân trong khu vực hải quân được tổ chức thành Hạm đội Khu vực Đông Nam chỉ huy bởi Kusaka Jinichi.[19]

Bên phía Hoa Kỳ, dưới sự tổng chỉ huy của Đô đốc William Halsey, Jr. là một lực lượng chiến hạm hùng hậu: hai hàng không mẫu hạm USS Enterprise và USS Saratoga, sáu hàng không mẫu hạm hộ tống, ba thiết giáp hạm nhanh, bốn thiết giáp hạm cũ, 13 tuần dương hạm và 45 khu trục hạm. Về không quân bao gồm 92 máy bay của Không lực 13 (Chuẩn tướng Nathan Farragut Twining chỉ huy), 81 máy bay của Không lực Cactus (Chuẩn tướng Thủy quân lục chiến Francis P. Mulcahy chỉ huy) cộng với 339 máy bay từ các hàng không mẫu hạm, 30 oanh tạc cơ hạng nặng căn cứ tại New Guinea nhưng có tầm hoạt động đến tận quần đảo Solomon giúp cho Đồng Minh có tổng cộng 539 máy bay. Chuẩn Đô đốc Aubrey Fitch là tổng chỉ huy không quân tại Nam Thái Bình Dương.[20][e]

Trong tuần lễ đầu tiên của tháng 1, bệnh dịch, nạn đói và những cuộc chạm trán khiến cho Quân đoàn 17 dưới quyền tướng Hyakutake chỉ còn khoảng 14.000 lính, trong số đó nhiều người đã mất khả năng chiến đấu. Cả quân đoàn chỉ còn ba vỏn vẹn ba khẩu pháo dã chiến và thiếu đạn pháo trầm trọng. Ngược lại, quân Đồng Minh trên đảo, một lực lượng hỗn hợp giữa Lục quân và TQLC Hoa Kỳ với tên gọi Quân đoàn XIV, dưới quyền của Thiếu tá Alexander Patch, có quân số lên đến 50.666 người. Lực lượng pháo binh trong tay Thiếu tá Patch có đến 167 khẩu pháo các loại, bao gồm lựu pháo 75 mm (2.95 in), 105 mm (4.13 in) và 155 mm (6.1 in) và đạn pháo thì cực kỳ dồi dào.[21][f]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Ke http://www.combinedfleet.com/I-1.htm http://www.combinedfleet.com/akizuk_t.htm http://www.combinedfleet.com/kaigun.htm http://www.history.army.mil/books/wwii/GuadC/GC-fm... http://www.ibiblio.org/hyperwar/USMC/I/index.html http://www.ibiblio.org/hyperwar/USMC/USMC-C-Guadal... http://www.ibiblio.org/hyperwar/USMC/USMC-M-Guadal... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... https://commons.wikimedia.org/wiki/Operation_Ke?us...